Trên sa mạc và trong rừng thẳm, châu Phi

Châu Phi, “trên sa mạc và trong rừng thẳm”…

Phóng sự của Đỗ Doãn Hoàng

Có cái gì đó vừa bất ngờ lại vừa ân huệ với cuộc đời, mỗi lúc tôi ngồi ngẫm về thân phận mình và mối duyên với Lục Địa Đen xa thẳm. Trong các chuyến đi dài dằng dặc trên bề mặt quả đất của tôi, không đâu đặc biệt như châu Phi. Một vòng bay từ Việt Nam sang Hồng Kông, rồi sang thủ phủ của châu Phi – thành phố Johannasburg – là gần 20 tiếng đồng hồ. Hai năm qua tôi đã ít nhất ngồi trên bầu trời liên tục 80 giờ (đấy là chưa kể những ngày những đêm đi trực thăng, xe hơi, rồi tàu thủy xuyên biển, xuyên các thảo nguyên và sa mạc) để có được những ngày tháng ròng rã với rừng già châu Phi. Lần đầu sang, còn ghé thăm nhà cụ Nelson Mandela, năm nay tôi trở lại rừng thì cụ đã về Trời. Chắc ít ai tin, khi người ta chiếu phim tư liệu về vị Cha Già của Lục Địa Đen nhân lễ tang cụ, tôi đã ngồi ở Hà Nội và bật khóc… Mũi Hảo Vọng là điểm đến vào hàng đẹp nhất hành tinh, người ta bảo đó là nơi bạn cần phải đến trước khi bạn chết (plases to see before you die). Rừng Kruger rộng khủng khiếp: 2 triệu héc-ta, giữ nhiều kỷ lục trên thế giới. Các địa danh ấy đã góp phần làm thay đổi nhận thức của tôi về thiên nhiên và sự tử tế cần phải có của con người trước Bà Mẹ Rừng…

Có lần, nhắm mắt lại, tôi lắng nghe xem mình nhớ gì nhất từ châu Phi. Câu trả lời là: nhớ những loài hoang thú. Nhớ một thiên đường có thật trên mặt đất, với sự tuyệt mỹ và sum vầy kỳ lạ của động vật rừng ở trạng thái hoàn toàn tự nhiên. Trên cái nền thương nhớ ấy, là nghệ thuật làm du lịch sinh thái đầy nhân văn của các bạn Nam Phi.

Vì sao người châu Á cắt đi dương vật của con tê giác?

Quá quen với những rừng quốc gia, khu bảo tồn không có loài động vật đáng ngắm nào ngoài vài con chim với mấy đàn bươm bướm xinh cứ dễ dãi chà lượn đu đưa ở Việt Nam, phải nói là chúng tôi đã nhảy cẫng lên khi máy bay trực thăng của Vườn Quốc gia Kruger hạ thấp độ cao khiến đàn tê giác mẹ con tản ra chậm rãi, lũ sư tử đực gườm gườm thong rong bỏ vào các trảng cỏ, rồi hà mã, ngựa vằn lúc nhúc. Đám hươu cao cổ xoắn các phom cổ dài vào nhau mà hôn hít. Đám hươu, nai, kuru thì cứ chạy vàng cả nhiều rông núi. Bạn đồng hành đồng niên của tôi, nghệ sỹ hài Xuân Bắc thở dài: “Đến cái thiên đường này, tôi mới thấy thương lũ trẻ quê mình, bây giờ chúng nó vào cả Vườn thú Thủ Lệ giữa thủ đô cũng chả được ngắm một con vật nào cho ra hồn. Toàn một lũ vật kiết lỵ kinh niên, đói ăn, xấu xí nằm ngáp vặt”. Tôi bảo, sự hình thành nhân cách của con người ta, không thể nào chỉ ở các cái máy có hình quả táo cắn dở (iphone, ipad, mac book), không thể nào chỉ nhà lầu xe hơi kèm theo cuối tuần đi du hí ở siêu thị đông nghèn nghẹt toàn người. Thật tội nghiệp nếu con người ta lớn lên, làm người mà thiếu thiên nhiên.

Tháng 9/2014, Diva Hồng Nhung cũng lại xuyên Kruger với tôi, nàng bảo: máu con tê giác vừa bị giết ngay trước mũi nàng, máu con vật linh thiêng, khổng lồ và hầu như không có đối thủ trong tự nhiên ấy đã vấy lên gấu quần, lên đôi giày vải hàng hiệu của nàng. Thế rồi những đêm sau đó Hồng Nhung liên tục bị ám ảnh rồi mất ngủ giữa các khách sạn sinh thái tuyệt mỹ và sang trọng của công viên quốc gia Kruger. Các phi công lái mấy cái trực thăng đưa chúng tôi đi rừng, họ lắc đầu ngao ngán: tại sao châu Á, trong đó có Việt Nam, lại biến thành thị trường hàng đầu thế giới trong việc tiêu thụ các sản phẩm từ các cuộc tàn sát động vật hoang dã? Con tê giác vẫn chổng bốn vó lên trời như một cỗ xe thiết giáp bằng xương thịt bị trật bánh nằm ngửa. Ai đó đã cắt đi sừng của nó, cắt cả khoang dương vật khổng lồ kèm theo “phụ kiện” của nó, khoét cả mắt nó nữa. Sừng tê giác đắt như vàng, cuộc “chiến tranh tê giác” còn đổ máu nhiều hơn cả cuộc chiến kim cương ở Nam Phi trước nay. Thì đã đành. Nhưng còn dương vật của tê giác, họ cắt làm gì ??? – Gã phi công người gốc Hà Lan vểnh cặp râu chổi xể rất ga lăng ra hỏi, tôi lẩm bẩm: “Tôi đoán, với nhiều người, họ nghĩ ăn gì/ uống gì bổ nấy, nhất là xài cái bộ “ấm tích ấm ủ” to nhất thế giới kia thì đại bổ. Và họ đặt hàng thợ săn đến từ Mô Dăm Bích”. Ở đó, các thợ săn tê giác được huấn luyện chuyên nghiệp như chiến binh tinh nhuệ nhất, với nguồn tiền lớn, với súng lớn và trực thăng hiện đại. “Thế tại sao họ còn khoét mắt con vật?”; một vị tướng phụ trách an ninh và kiểm lâm với khoảng 1000 quân để bảo vệ 200.000km2 vườn Kruger thở dài: “Chúng tôi đang mổ tử thi, khám nghiệm nạn nhân tê giác như nhà báo thấy đấy. Mỗi ngày trôi qua, đều đặn nhiều nghìn ngày đã như thế, cứ 8 tiếng là có một con tê giác bị giết như thế này. Bọn thợ săn trộm tin rằng, trước khi nhắm mắt chết, giác mạc của tê giác sẽ lưu lại hình ảnh tội ác của lũ người man rợ kia. Nên nó khoét bỏ để… xóa dấu vết (?)”. Nói rồi, chúng tôi ngồi bần thần, nhìn máu con vật ri rỉ chảy, từng tia máu bắn ra lép bép trên cát trắng. Họ nắm tay tôi, gã nhà báo duy nhất 2 năm liền được mời đi châu Phi tố cáo các đường dây thảm sát động vật rừng để biến nó thành sừng tê, cao sư tử, ngà voi… đem về châu Á. “Cảm ơn “Người Bạn Mới (new friend) của Động vật rừng châu Phi”. Ý rằng, cuộc chiến tranh tê giác đã đổ mồ hôi, đổ nhiều máu rồi, nhưng chưa hiệu quả, họ muốn thêm những người bạn mới đến từ Thị Trường Cuối Cùng (nơi kích cầu) là châu Á, trong đó có Việt Nam (là hàng đầu) đến cùng để “song kiếm hợp bích”.

6 tiếng im lặng tuyệt đối, 40 con sư tử lao đến xé xác cũng phải đứng im

Trong những chuyến đi ấy, châu Phi, cái văn hóa thổ dân da đen, cái hoang sơ đến từ bối cảnh bộ phim “Đến thượng đế cũng phải cười” cứ ngấm mãi vào tôi. Ngay cả ở rừng đặc dụng Việt Nam cũng đã bị cạn trụi đến mức du khách khó có thể nhìn thấy con vật gì, dù bạn chấp nhận bỏ tiền, bỏ sức, đeo đèn theo dịch vụ xem thú ban đêm đi nữa, dù là chỉ cần xem những chú thơ ngộ dễ tính, dễ sinh sản nhất, như hoãng, nai đi nữa. Đi tìm trong rừng không thấy, còn ở các tủ lạnh ngoài quán đặc sản rừng ở cổng Vườn thì thịt gì… cũng sẵn! Trong khi ấy, thì ở Kruger, rộng gấp 100 lần cái vườn quốc gia đầu tiên và màu mỡ nhất Việt Nam – Cúc Phương – bạn có thể thấy hầu hết các loài thú quý của toàn bộ… châu Phi và một phần cơ bản của thế giới này. Không có một sự sắp đặt hay chăm sóc kiểu vườn thú cảnh nào cả. Hoàn toàn hoang dã. Rộng và hoang đến mức các lão tướng kiểm lâm muốn đi kiểm tra rừng cũng chỉ có thể cưỡi trực thăng đi quanh khu Vườn Quốc gia có lớp “tường rào” bao quanh dài nhất thế giới này. Rộng thế, thử hỏi chăm bẵm kiểu gì?!

Vườn mang tên vị Tổng thống Nam Phi, ông Kruger. Vườn thành lập từ năm 1898, tức là gần 120 năm rồi. Ở cổng vườn người ta dựng tượng ông Kruger bằng đá khối lừng lững, những phiến đá vuông vức dáng thô được xếp lên nhau chưa khít, tưởng như chả cần mài đẽo gì cả, cảm giác như núi đá vỡ ra rồi vô tình tạc nên hình dáng ông Tổng thống mang tên Thiên đường hoang thú vậy thôi. Ở đây, tuyệt đối không có chuyện cấp phép cho săn bắn thú, tuyệt đối không có chuyện du khách bỏ tiền ra thuê trực thăng ngắm rừng và hoang thú (nhưng các đoàn cán bộ được mời như chúng tôi thì có thể toàn quyền sử dụng). Giá vào cửa đắt đỏ, bạt ngàn xe hơi đặc chủng (xe thành cao, mui trần, để sư tử, voi, tê giác không thể giết người ngồi trên xe) được cho thuê, các tuyến đi bộ ngắm thú thì có các chàng kiểm lâm cao hơn 1,9m, đeo súng lớn với những băng đạn vàng ươm bên hông đi hộ vệ. Cảm giác đầu tiên: giá thuê phòng sinh thái đắt, giá dịch vụ chỉ dành cho người có của ăn của để, nhưng rất “đáng đồng tiền bát gạo”. Nếu Nam Phi là thủ phủ, thủ đô của toàn bộ Châu Phi, thì cũng có nghĩa là thế giới này muốn nhập vào thiên đường hoang thú với sa mạc và rừng thẳm châu Phi, hầu hết họ đều phải đến Kruger. Chiều chạng vạng đỏ ối các góc rừng, muông thú ra suối uống nước. Lần nào sang, cũng đi cùng với quan chức Việt Nam, với những người nổi tiếng kiểu Xuân Bắc, Hồng Nhung, nên chúng tôi được tiếp đãi trọng thị, được cấp trực thăng bay thả phanh. Đặc biệt là những đêm sống trong “nhung lụa” của dịch vụ du lịch sinh thái thật sự nhân văn, dễ làm say lòng người.

Lần đầu nhìn thấy, tôi đã rất choáng và rất… say chi tiết này: trong toa lét của tất cả những phòng khách sạn sinh thái giữa rừng, đều có treo các bức tranh, các pa-nô quảng bá cho Kruger và Big 5 (5 loài vật to lớn của châu Phi, gồm voi, sư tử, tê giác, báo mai hoa, trâu rừng). Chắc họ nghĩ rằng: làm gì có ai không ngồi trong toa lét, không rửa mặt đánh răng và tắm hàng ngày. Nên các tấm kính, các bờ tường đều khắc hoặc vẽ, hoặc treo tranh, ảnh: rừng Kruger với các kỷ lục thế giới, từ năm 1927 xa xưa, họ đã thành lập tua xuyên rừng bằng xe ô tô, xung quanh là nô nức sư tử, báo mai hoa, voi, tê giác. Đây là bức ảnh chụp gần 100 năm trước. Đây là các mỹ nhân (bây giờ mục xương từ lâu) đẹp khủng khiếp, đang vén váy, với cặp giò trắng nần nẫn lội trong rừng già, xung quanh là bầy nai vàng ngơ ngác. Ngạc nhiên nữa, đi vào rừng, họ để nguyên cả những hố xí của tê giác, với mênh mông các cục phân to bằng cái đấu. Đây là tê giác trắng, đây là tê giác đen, 80% số lượng của tê giác của thế giới này có ở Nam Phi chúng tôi, hố phân của loài tê giác ăn hạt nó khác, hố phân của loài tê giác ăn lá nó khác. Con đực cường tráng nhất sẽ quản lý hố phân, đồng nghĩa với việc quản lý lãnh thổ và lũ con cái. Đây là các gốc cây bóng loáng nước thời gian, nước mồ hôi và bùn đất mà các thế hệ họ hàng nhà tê giác đã cọ lưng sau mỗi lần no nê. Cái cây còn sống hoặc đã chết ấy được giữ lại như một kỳ quan thiên nhiên. “Chúng ta phải rời khỏi nơi này, vẫn xếp hàng một, vẫn im lặng tuyệt đối ngay cả khi thấy sư tử gầm hay tê giác lao thẳng vào mình. Tuyệt đối không được chạy hay gào thét, cứ bình tĩnh, chúng tôi đã có những khẩu súng lớn để cứu các bạn. Chúng ta phải rời nơi này, vì đến giờ tê giác sử dụng hố phân truyền thống…”. Đời những kẻ “lắm mồm” mắc phải nghề nói, nghề hát, nghề diễn như tôi và Xuân Bắc, Hồng Nhung có lẽ những chuyến đi rừng suốt 3 tiếng không được nói câu nào ấy luôn là một cực hình. Tôi đã 2 lần đi, tổng cộng 6 tiếng im lặng tuyệt đối để sống sót như vậy.

Bài học làm du lịch sinh thái tử tế

Họ làm du lịch quá giỏi, dù vẫn biết rằng với cái giá lưu trú 800 USD/đêm (kèm ăn uống sang trọng giữa thiên nhiên hoang dã) là không rẻ tí nào, thì có khen họ cũng chỉ là “khen phò mã tốt áo”. Nhưng họ giỏi đến ngỡ ngàng. Chúng tôi ngủ, phải đóng chặt cửa bởi khỉ, ngựa vằn, hươu nai vây quanh phòng. Đi đâu cũng có treo biển: Làm ơn yên lặng, vì hoang thú đang ngủ. Tối đến, muông thú rẽ lá khô chạy ào ào. Chả cần đi bộ, chả cần rọi đèn, ngựa vằn xinh xẻo đến chào bạn vô tư. Các căn phòng được làm ở lưng chừng tán cây cổ thụ. Tán của tàng cây gân guốc mốc thếch và to lớn ấy nó đẹp mê hồn. Rồi cầu thang gỗ chùng chình vắt qua thung lũng, với suối treo, đá phủ rêu. Tree house (nhà trên cây) nhìn ra miên man cỏ xanh và các rừng cổ thụ sạch sẽ. Có khi các bạn da đen nhoáy như giọt mực Tàu đến mát-xa lành mạnh cho bạn ở ngoài nắng gió miên man, trên cái nhà làm ngoài chạc cây rừng. Dẫu ở Petoria, Johannasburg bạt ngàn gái mại dâm công khai, bạt ngàn các hộp đêm gái từ năm châu bốn biển đẹp rờ rỡ, nude 100%, thì ở Kruger, tất cả đều lành mạnh và sinh thái đến tận cùng.

Tối đến, người ta đốt lửa, người từ các bộ lạc đến hát hò inh tai nhức óc. Bất kể đầu bếp hay phục vụ phòng nào cũng có thể biến thành vũ nữ hay ca sỹ đồng quê giữa một cánh rừng đốt lửa trên nền cát trắng và cỏ úa. Xung quanh là những cây gỗ lớn cắm như bãi cọc hình tròn chống thú dữ, vách căn cứ này treo toàn các ngọn nến đốt bằng mỡ động vật, chao đèn làm bằng da cừu nhờ nhờ trắng, thế rồi các món nướng thành tảng, hoặc cả con vật quay trong than hồng hiện ra. Đi vài bước chân ra khỏi bữa tiệc núi, trong ánh trăng huyền thoại sáng như ban ngày, tôi thấy voi châu Phi khổng lồ đứng chống cặp ngà dài đến sát đất mà đủng đỉnh lắc lư nhìn đoàn thực khách. Tôi đã lạc vào một trận địa 40 con sư tử đực dựng bờm dọa người. Rồi con voi đực cao dễ đến 5m ấy nó gầm lên, nó dậm chân tức tối, rồi xe đặc chủng của chúng tôi phải tắt máy cho ngài bớt giận, rồi chúng tôi lùi từng tí từng tí. Không ai không cảm giác tim mình ra khỏi lồng ngực, kể cả gã da đen ngồi ở mũi xe hay gã mắt xanh da trắng làm hướng dẫn viên. Giám đốc Quỹ bảo tồn tê giác Nam Phi – Rhino Foundation – Andrew Peterson – anh bạn từng theo tôi sang Việt Nam ngồi ngắm trăng với tôi trên một con đê xứ Đoài ấy, vuốt mồ hôi an ủi bạn bè: “Mày yên tâm, nó xông thêm bước nữa thì tao cũng buộc phải xiết cò thôi. Không ai điều khiển được những con vật hoang dã ấy cả. Nó quý ở chỗ nó hoang dã và bất tường như vậy. Tao yêu chúng nó, nhưng để tránh nó giết người, tao buộc phải giết nó”. “Mày giết bao nhiêu con rồi?”; “Bần cùng tao mới phải bắn, đời tao mới xiết cò hai lần để giết những báu vật thiên nhiên này”. Tôi và Xuân Bắc rỉ rỉ: “May mà lần thứ 3 của nó không diễn ra hôm nay. Bởi con voi châu Phi lớn đến mức không thể tưởng tượng nổi, tai của nó to như cái mâm ăn cơm. Dáng của nó làm tối sẫm cả một góc trời. Bắn thì tiếc lắm”. “Nhưng chúng mày và tao cùng chết thì còn tiếc hơn”, Andrew thở dài.

Có lần tôi chụp được một con báo hoa cực đẹp nằm trên chạc một cây lớn, người ta đã xin để làm pano quảng cáo. Có lần đàn báo dửng dưng ngồi uống nước và ngắm giang san của mình bên suối. Có lần rớt nước mắt thấy lũ linh cẩu xé tan thây một con tê giác bị giết, rồi kền kền trụi lông vì mải rỉa rói trong bữa tiệc man rợ nhất. Lần khác, lại vượt suối xem tê giác vây kín một thung sâu, hươu cao cổ chạy hàng bầy uyển chuyển như các vũ nữ cao kều; đặc biệt ám ảnh là trận địa của 40 con sư tử đực. Các loài chim xanh đỏ tím vàng thì vô thiên lủng. Con vật luôn đứng đầu danh sách các loài tước đi nhiều nhất các mạng người của trái đất này (theo thống kê hàng năm), ít ai ngờ được, lại là anh bạn hà mã xấu xí, khiêm nhường, luôn chạy trốn đó. Hà mã và cá sấu tràn ngập. Cái gương mặt kỳ dị nhất, hung hãn nhất tôi từng gặp ở Châu Phi, cũng ít ai ngờ được, lại chính là loài vật trùng tên với “các bạn” rất hiền lành và gắn bó vô cùng thân thương với con người ở Việt Nam: trâu. Trâu rừng. Mắt chúng đỏ vằn, trán u lên, sừng cong veo. Lúc nào cũng cáu kỉnh, đằng đằng sát khí. Cũng có lần, đi xem voi dễu dện mấy chục con vừa đằm bùn xong, chúng đứng bóng nhẫy cả một lòng suối, chợt thấy lũ voi sợ hãi tản vào một góc chăm sóc “người bạn” lâm nạn. Hóa ra có con voi bị ốm, sắp chết. Có đêm lại léo lên xe đặc chủng, đeo đèn đi xem sư tử, báo mai hoa ung dung tự tại giữa giang sơn của chúng để săn mồi trong đêm. Mỗi lúc đi dọc 2 triệu héc-ta rừng, gặp người ngược chiều, các lái xe thường dừng lại hỏi han nhau, cách bao nhiêu kilomet thì có một đàn sư tử, một đàn tê giác hay ngựa vằn. Có tin gì về lũ săn trộm không. Có con voi đang quỵ ngã cần cấp cứu thì phải làm sao…

Hai lần tôi rời Kruger, là hai lần người ta bảo, “sao mày không cho con mày sang đây cho nó hiểu thế nào là muông thú sum vầy như một thiên đường ấy”. Bởi mày bảo quê hương mày tuyệt đối không thấy được một con nai con hoẵng ngoài tự nhiên, thì thương lũ trẻ quá. Ông tướng kiểm lâm phụ trách Kruger xoa đầu “my son” (con trai) là tôi, khuyên như vậy. Cả ông đầu bếp da đen kịt, lúc nào cũng im lặng đứng sau bàn tiệc của tôi để phục vụ một cách đầy lo lắng (đến mức gã hài Xuân Bắc nhất định cho rằng “ông giống như một người giữ cái chìa khóa vào một kho báu nào đó ngoài bìa núi”) cũng nói thế. Tôi băn khoăn, vì sao họ đều khuyên tôi như vậy nhỉ? Có lẽ họ đều hiểu: lũ trẻ nhà tôi bao năm khát bóng dáng một thiên nhiên đích thực, một trời muông thú luôn gợi cho người ta những xúc cảm nhân văn nhất? Tôi về nhà, nói điều này với bạn bè, họ đều bảo: vấn đề đầu tiên là tiền đâu. Cho lũ trẻ bay viền quanh nửa vòng trái đất, giá phòng cả nghìn đô một ngày đêm, tiền đâu? Mà ai thay lũ trẻ đi học cả ngày, làm bài tập đến nửa đêm, rồi học thêm học nếm…

Vâng. Đành lòng vậy, cầm lòng vậy, dẫu biết rằng, việc hình thành nhân cách của trẻ, không thể nào thiếu vắng thiên nhiên hoang dã, Lục Địa Đen thương mến ơi. Chiều nay, tôi lại đưa con mình lên khu du lịch sinh thái Vườn cò ở Hà Tây cũ, ở đó có rừng tre pheo và ông chủ mỗi ngày giết vài trăm con cò phục vụ “ẩm thực sinh thái” cho du khách. Mới đây, ông ấy còn bị đi tù vì kinh doanh mại dâm tron vườn sinh thái. Ngồi đó hoặc ngồi ở cổng các vườn quốc gia bán thịt thú rừng, ngẫm tới Kruger, mà càng thêm chua xót.

Box : Đồ lưu niệm Nam Phi tràn sang tận Italia

Cái không kém phần quan trọng tạo nên sức quyến rũ của du lịch Nam Phi, ấy là thái độ phục vụ của những người da đen tận tụy. Họ là lái xe, hầu phòng, họ bán hàng, họ là đầu bếp yêu nghề hay là một kiểm lâm xách súng đi bảo vệ chúng tôi. Họ lặng lẽ lẫn vào bóng tối hay bóng râm của một ngày nắng nỏ. Dường như, suốt ngày, họ không tư duy một cái gì khác, không dùng điện thoại di động nốt, họ chỉ đau đáu nhìn về phía chúng tôi để xem có cần phục vụ gì không. Có khi, đang ăn buffe, bạn chỉ nhỏm dậy bắt tay người khác, quay lại thì dao dĩa đĩa cốc của mình đã bị thu dọn mất, thay vào đó là một bộ mới sạch tinh tươm.

Đặc biệt đẹp, rẻ, giàu bản sắc là đồ lưu niệm hand-made (làm thủ công) của Nam Phi. Hầu hết chúng là sản phẩm được phép từ động vật hoặc gỗ rừng. Có khi cả một chợ toàn trứng đà điểu với những hình vẽ tuyệt kỹ tinh xảo, có khi cả một góc trời toàn sản phẩm liên quan đến loài vật chết chóc và kỳ bí: cá mập. Những thiên đường đồ lưu niệm bằng gỗ và mang vóc dáng của động vật đáng tự hào của Nam Phi đã ám ảnh chúng tôi. Tiền Ran của Nam Phi, mệnh giá lớn nhỏ đều mang hình con vật, hổ, tê giác, hươu nai… Năm ngoái, có dịp sang Italia, tôi đã ngỡ ngàng thấy các khu ven đấu trường La Mã, rồi tháp nghiêng Pisa toàn những món hàng xinh xẻo quen quen. Cả một rừng hươu cao cổ bằng gỗ, cả một hành lang khu phố toàn trứng đà điểu rồi các bức tượng gỗ kỳ cục bí hiểm. Cả ông bà chủ da đen với nụ cười trắng lòa toàn… răng nữa. Hóa ra họ đều đến từ châu Phi, hàng hóa cũng vậy. Ở đó nhân công rẻ và các họa tiết thổ dân rất bắt mắt. Từ Italia, chỉ vượt qua hơn trăm cây số biển Địa Trung Hải là đến châu Phi.

Đỗ Doãn Hoàng
Kèm theo chùm ảnh

About dodoanhoang

Journalist at Dan Viet newspaper
Bài này đã được đăng trong Uncategorized. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Bình luận về bài viết này