Một bài tản mạn rất là tản mạn:

Khi “cơn bão giá” thổi qua mâm cơm của người nghèo

Tản mạn của Đỗ Lãng Quân

http://vietimes.com.vn/vn/caulacbotyphu/4894/index.viet

Ai đó nói rất có lý rằng: “mũi tên tăng giá” sẽ bắn trúng, làm đau đớn, thậm chí có thể giết chết những người nghèo đầu tiên. Người giàu người ta chỉ bớt ăn bớt chơi, chỉ phải đá lưỡi hơn khi cái miệng có gang có thép của họ tuyên bố ban phát cho người khác tiền (hoặc cái này cái nọ); chỉ phải nấn ná hơn khi vung tay quá trán; chỉ bóp mồm bóp miệng bớt cái thú ăn của ngon vật lạ một tí thôi. Chỉ làm thế, cũng đủ để họ có thể qua cơn bão tăng giá.
Còn với những người nghèo thật sự, còn hàng mấy chục triệu người nông dân chân lấm tay bùn của chúng ta, họ đang phải làm cật lực để lo cho bữa cơm hằng ngày của mình, thì: cơn bão tăng giá lại “quét” thẳng vào, làm tan hoang chính cái qua mâm cơm tội tình kia.

Sự bất lực của “hạt gạo làng ta”

Tôi đến với bà con nông dân ở vùng Thuận Thành, Bắc Ninh, chỉ chọn ngẫu nhiên, chỉ ghé thăm tình cờ, để tận mục sự chua xót của cơn bão tăng giá đột xuất. Trong “bão khô” của giá cả leo thang, những bữa cơm quê mới cay đắng, tuyệt vọng làm sao. Tôi muốn nói: các nhà quản lý vĩ đại thân mến, các vị đừng điều chỉnh giá, đừng “cứu giá” xa xôi ở trên trời như giá vé máy bay, đừng viển vông ở quốc lộ xa hoa như bàn về giá nhập khẩu ô tô nguyên chiếc, giá xăng dầu vượt ngưỡng gì gì đó, với chỉ số in đếch in điếc gì đó của chứng khoán. Hãy nhìn vào mâm cơm của người nghèo. Có một nỗi kinh hoàng, khi người già thật sự chia tay thịt, trứng, sữa; khi bé thơ ngày càng xa lạ với thực phẩm bổ dưỡng. Mâm cơm của người nông dân, chỉ nỗ lực làm sao đủ vài lật cơm xơi cho mỗi thành viên, cơm ăn với rau muối vườn nhà, thế là trọn cả niềm ước ao trong thì buổi “gạo châu củi quế”. Khi người nông dân chỉ biết trông vào mỗi một cái hạt lúa, cơn bão tăng giá ập đến, họ muốn có một trinh cắc nào để tiêu pha, đều phải bán lúa gạo. Sự tăng giá của mấy tạ gạo trong bồ, làm sao đuổi kịp cơn bão giá của hàng trăm hàng nghìn nhu cầu của một cuộc sống của ngót chục thành viên từ già đến trẻ thời “hội nhập” hiện nay? Hầu như tất cả những thứ lương thực, thực phẩm thiết yếu ở nông thôn bây giờ đều có giá tăng gấp đôi so với hồi trước Tết.

Ghé một quán nước ven đường, thuộc xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng ba chục cây số, chúng tôi tình cờ gặp bà Nguyễn Thị Liên. Thề có… Chúa, hoàn toàn ngẫu nhiên, bởi trong cái quán tiêu điều đó, bà Liên cởi mở với khách xa hơn cả. Con đường chạy qua xã đang được nâng cấp, nó bụi đến mức, chủ quán phải cầm cái dẻ to sù sụ để lau ghế bàn đen nhẻm, dọn chỗ sạch cho khách ngồi. Tầm nhìn giữa xe nọ với xe kia, ở ngoài đường, chỉ còn 3m, là bởi vì bụi. Cả năm nay, cứ bụi tơi bời như thế, đường xá cứ dở dang nắng bụi mưa ngập như ruộng cày như thế. Nghe đâu, cái doanh nghiệp làm đường, đã cam kết rồi, giờ cơn bão giá sắt, thép, xi măng, nhựa đường, công xá leo thang khủng khiếp quá, anh ta không dám chạy làng, nhưng bèn hoãn binh chờ “kêu cứu”. Chắc là xin thêm vốn, nếu không có vốn thì đành phải làm điêu toa đi một tí. Thế thì “con dân” của chúng ta còn khổ sở hơn về sau này.
Bà Liên đi bán một giỏ ốc mương về. Bà hí hửng khoe: “Ốc bây giờ nó được giá ghê. Nó tăng đến 6 nghìn đồng/kg. Giá tăng cứ là gấp đôi hồi trong tết!”.
Bà Liên mò ốc từ sáng sớm, đến 2 giờ chiều, đói lả ngoài đồng, mới được mớ ốc 2kg, bán được 12 nghìn đồng. 12 nghìn đồng trong cơn bão giá này, sẽ mua được cái gì? Được 1kg gạo và 2 bìa đậu phụ bé như… lưỡi mèo.

“Ruộng giờ người ta thả thuốc sâu, rắc thuốc diệt cỏ nhiều lắm. Thì nhà tôi cũng rắc mà, không rắc thuốc diệt cỏ thì có mà cỏ nó lút cả lúa, không phun thuốc sâu thì có mà sâu nó ăn thịt cả người đi thăm lúa. Đành phải làm, vì các cái tàu há mồm thôi, nhà bác ạ. Nhưng dùng thuốc diệt cỏ thì cá tôm, ốc hến nó chết sạch. Nếu nhà bác mà bắt được con ốc nào trong ruộng, giữa cái thì buổi này, thì tôi cứ là đi đầu xuống… bờ ruộng. Bắt ốc, bắt cá, giờ phải ra mương, ra sông, may ra mới có. Mà nông nhàn, cả làng cả tổng đi bắt cá bắt ốc thế này, chả mấy mà… hết tiệt cả cá, cả ốc, đến chai chai, trùng trục ở tít dưới bùn đen giờ cũng hiếm vô cùng. Sợ nhất là cái bọn dùng bình ắc quy đi bắt cá. Nó giật đùng một cái, con gì cũng trắng bụng nổi lên. Hãi hãi là…”.
Chúng tôi đang chết lặng với nỗi buồn đồng quê trong cơn sóng thần tăng giá, bà Liên lại chép miệng buồn rầu:

“Mấy hôm nay, mưa, nước mương lên đầy, cũng chả có ốc mà bắt! Nếu không mưa, tôi gửi cháu vào nhà trẻ, là suốt ngày ở ngoài đồng mò cua bắt ốc. Thì chú bảo, đói đầu gối phải bò thôi”. “Anh biết, tôi sợ nhất là cái gì ở trên đời này không? Sợ nhất đi bệnh viện. Vừa rồi tôi bị suy nhược thần kinh, đầu đau như búa bổ, phải ra Bệnh viện Việt Đức ngoài Hà Nội nằm, trời ơi, giá cả thuốc thang, giá ăn uống ở ngoài Thủ đô, tôi hãi quá. Tô bỏ viện về, thà chết không dám bán thóc để… đi chữa bệnh nữa, anh ạ!”.

Có người góp chuyện, nhà bà Liên có lúa gạo trữ trong bồ, ốc vặn ốc nhồi thì chứa sẵn ngoài các con mương thủy lợi, gạo tăng giá, ốc tăng giá, thì bà Liên phải dễ thở hơn trong cơn “bão giá” chứ? Bà Liên nuốt nước bọt, vuốt mái tóc đã bạc phơ, dù bà mới gần 60 tuổi, vẫn là chủ cái gia đình bé mọn của bà, bà nói như mếu:

“Anh mà so bì việc gạo nhà tôi được giá với việc cái gỉ cái gì cũng đắt đỏ hiện nay, bảo là tôi sẽ… không việc gì, chứng tỏ anh ăn sung mặc sướng quen rồi, chả hiểu gì người nông dân chúng tôi. Giá thóc, có lúc cao điểm, lên tới 620.000 đồng/ tạ, nghĩa là tăng gấp đôi so với trước Tết, so với năm ngoái; nếu sát gạo ra bán, gạo được giá tới 9.000 đồng/kg, cũng tăng gấp đôi năm ngoái.
Người nông dân chúng tôi chỉ có một thứ là thóc gạo để bán. Nhà tôi đông người, được nhà nước cho cấy 4 sào ruộng, ăn từ đầu vụ đến giờ còn dư 2 tạ thóc. Nếu bán hết, thì nhịn đói đến hết cái mùa giáp hạt này ư? Đành bán 50 kg tuần trước, cần tiền cho cháu nội tôi nộp tiền đi nhà trẻ ở thôn, tôi phải bán; nửa tháng rồi gia đình chưa biết đến một miếng thịt thà, tôi phải bán thóc đi chợ. Bán ở đầu chợ, cầm tiền, đi đến cuối chợ là hết veo. 50kg thóc, bán được hơn 300 nghìn đồng, nộp tiền đi nhà trẻ tháng này cho cháu nội (tên là Dương Tuyết Hiền) đã hết 100.000 đồng. Tôi chỉ dám mua 15.000đồng tiền thịt mỡ về cho cháu nó ngửi cái mùi thịt thôi. Tôi mua thịt véo, tức là cái thịt nó không thuộc vào nây hay dọi, mông hay sấn, nó là thịt thừa thịt thẹo, “véo” từ thủ, từ chân, từ rìa các miếng thịt mỡ, “tổng hợp” thành một dúm thịt rẻ tiền. Thịt véo giờ cũng có giá 50.000 đồng/kg; tôi mua 15 nghìn được 3 lạng, về phục vụ việc “nhìn thấy thịt thà” của cả cái nhà 4 miệng ăn này, anh ạ”.

Người nông dân chân chỉ, họ chỉ có gạo, lúa để bán. Họ chỉ bán thóc, khi không thể giữ được ngọc thực mình đã đổ mồ hôi sôi nước mắt làm ra kia nữa. Tức là họ chỉ bán khi chẳng đặng đừng. Mà cuộc sống có bao nhiêu nhu cầu khiến người ta phải cần tiền nhờ bán thóc: con đi học, cháu đi học, đi nhà trẻ, đóng góp “sản lượng” cho xã, đóng góp cứu trợ lũ lụt, tiền làm đường xá trong thôn, tiền ma chay cưới xin “không đi không được”, tiền ốm đau bệnh tật (ai nắm tay được đến tối). Tóm lại là phải bán thóc. Thóc tăng giá theo cơn bão đau lòng hôm nay, nhưng sự tăng gấp đôi ấy không thể đủ để “hạt gạo làng ta” cứu được bữa cơm đạm bạc đến tê tái lòng của người nông dân.

Bài toán “thua lỗ” của ruộng đồng

Đấy là chưa kể, khi giá của mọi thứ vật tư nông nghiệp tăng, thì người nông dân làm ruộng hầu như không còn lãi. Nghĩa là cái công của họ bỏ ra, có khi lỗ chống vó, có khi phần tiền thu được (nhờ bán số thóc thu hoạch) chỉ đủ để… lượn từ đầu chợ đến cuối chợ, mua mấy thứ tối thiểu, trong cơn bão giá thê thảm. Tiền mất giá thê thảm. Trong khi tiền bán thóc chả được bao nhiêu, trong khi ngày công đi làm thuê của con em người nông dân vẫn hầu như không tăng. Cả ngày, miệt mài cật lực từ sáng đến tối, một thanh niên làm hàng mã thuê cho các tổ hợp sản xuất hàng mã Làng Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) chỉ được 20.000 đồng. Hai mươi nghìn, chỉ đủ mua hai ký lô gạo. Nếu không mua gạo thì tiền ấy cũng chỉ đủ mua một gói bánh quy cho con. Hai mươi nghìn, mua được hai lạng thịt ở chợ quê.

Làng quê, giờ hãi nhất là việc tăng giá gạch xây dựng, tăng gấp 3 lần; thép cũng tăng, xi măng cũng tăng. Có anh ở Thuận Thành định làm nhà, giá tăng quá chả dám làm nữa, bán gạch đã chuẩn bị sẵn đi, lãi được 15 triệu đồng. Đó, có lẽ là người nông dân duy nhất, hiếm hoi được… hỉ hả vì cơn bão tăng giá, cay đắng thay! Rau cỏ, thịt thà, trứng sữa, đậu đỗ, cái gì cũng tăng giá gấp đôi so với mấy tháng trước. Đặc biệt đáng sợ là sự tăng giá của vật tư nông nghiệp, đạm, lân, kali, thuốc trừ sâu, thuốc diện cỏ, cái gì cũng tăng đến chóng mặt. Nhiều người nông dân sợ hãi bán ruộng không dám cấy cày nữa. Vì càng làm, trong cơn bão giá, trong dịch bệnh hành hoành thế này, không khéo lại càng… lỗ. Chẳng thà để sức lực ấy lên thành phố làm thuê.

Hãy nghe bà Liên phân tích cái quy trình “đầu tư mạo hiểm” vào ruộng đồng để rồi thu lượm được vài đồng bạc lẻ, những cái đồng tiền ấy nó lẻ hơn, vô dụng hơn, thê thảm hơn trong cơn bão giá này.
“Một sào ruộng, phải đầu tư vào đó 8kg đạm, giá 10.000 đồng/kg. Anh về hỏi Trung ương hộ tôi, sao đạm, lân, kali bây giờ người ta tăng ác thế. Muốn tăng bao nhiêu thì tăng à? Ruộng đồng giờ không có những thứ đó, là lúa không lên được. Gà thì sợ H5N1, lợn lại sợ tai xanh, bò trâu lở mồm long móng, người thì tiêu chảy cấp với dịch tả. Đủ thứ bệnh tật, dịch bệnh, sao tivi họ cứ trách chúng tôi bỏ thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ vào làm hại môi trường? Không trừ sâu, sâu ăn hết lúa, chúng tôi ăn… sâu bọ à? Mà thuốc sâu đắt cắt cổ, chúng tôi sung sướng gì khi bán thóc gạo mua thuốc sâu về tưới vào ruộng vườn nhà mình đâu, cũng là “chó cùng cắn giậu”, bị dồn đến chỗ buộc phải làm thế, anh ạ. Tôi nói tiếp, một sào ruộng bón 8kg đạm, mất 80 nghìn đồng + 70 nghìn tiền thuê người ta cày, bừa (con cháu chúng tôi đi làm thuê ở công ty may, không cày cấy được) + 50 nghìn tiền bón Kali + 50 nghìn tiền mua thuố trừ sâu + 10 nghìn thuốc diệt cỏ + 40 nghìn tiền thóc giống (loại nguyên chủng)… Đấy là chưa kể công xá chúng tôi tối mặt tối mũi bỏ ra trong suốt mấy tháng trời. Mất khoảng 300 nghìn đầu tư cho một sào ruộng (tiền này chỉ có thể có nhờ bán thóc gạo của vụ trước), số thóc thu được nhờ một sào ruộng là khoảng gần 2 tạ thóc. Vụ trước bán được 300 nghìn/tạ. Vụ này bán được 600 nghìn/tạ. 1 sào, 2 tạ là cứ cho thật “được giá”, là bán được gần 1 triệu đồng. Lấy công làm lãi, “lãi ròng” cả thảy được 600 nghìn/ trong một vụ/ sào ruộng. Trong cơn bão giá, 600 nghìn đồng mua được những cái gì?”.

Theo khảo sát của chúng tôi, ở chính xã Gia Đông của bà Liên, giá thịt lợn là 90 nghìn đồng/kg; giá gạo là 9 nghìn đồng/kg; rau muống là 1 nghìn đồng/mớ; đậu phụ là 1 nghìn đồng/bìa (bằng với bìa đậu cách đây mấy tháng vẫn bán 500 đồng). (Cái giá này còn là rất rẻ so với giá ở Hà Nội và Sài Gòn thời lạm phát mà báo chí đăng tải: 18 nghìn đồng/kg gạo; 7 nghìn đồng/ mớ rau muống; 5 nghìn đồng một lần đánh giày… Cùng ngày, khi chúng tôi có mặt ở Gia Đông, qua tivi, thấy nói, Chính phủ và các bộ ngành cũng họp bàn phương án chống giá cả leo thang, kiềm chế lạm phát. Trong khi bà con ở miền Nam đổ xô đi mua gạo về tích trữ vì lo cho an ninh lương thực của nhà mình. Đến mức nhiều đại lý phải ngừng việc bán gạo, nhiều siêu thị khống chế không cho cá nhân nào được mua quá 10kg gạo/lượt để tránh đầu cơ… ). Tất cả mọi thứ đều tăng giá, bà Liên và những người hàng xóm chân chỉ của bà, chỉ còn biết bóp mồm bóp miệng vào để sống. Thật ra không có đồng nào tiêu, đành chấp nhận thì đúng hơn là một “phương án tiết kiệm”. Đành phải để lâu lâu, xa xa, khi cái hương vị thịt thà, trứng, cá nó hết sạch mùi tanh tao trong… ký ức đi, thì mới dám xúc thóc đem bán, mua thịt ăn một lần. “Xóm giờ lắm thằng nghiện, con gà không dám nuôi. Mà nuôi cũng sợ dịch bệnh”. Nửa tháng ăn thịt lợn một lần, cầu trời cho nó đừng bán cho mình dính cái (lợn dịch) “tai xanh”, bởi mình đang thèm quắt tai ra đây này.

Bà Liên lại xúc cái bao thóc xẹp lép của mình đi bán. Bà đi bằng một cái xe đạp cà tàng. Khổ, bán để đi ăn cưới đứa cháu, quê bà giờ phong bì ăn cưới nó “leo thang” đến độ, tối thiểu phải năm chục nghìn, kẻo nó cười vào mũi. Làng này, xã này, huyện này, giờ hãi nhất đi… ăn cỗ, ai cũng hãi. Con đầy tháng, vợ vỡ ối, cưới xin, ma chay, giỗ chạp, có người chạy được đi xuất khẩu lao động, có người từ nước ngoài méo mặt trở về, đem được hài cốt ở xa về làng, xây được cái nhà ba gian… Thôi thì cái gì nó cũng mời, xa tít mù tắp nó cũng mời. Giả nợ miệng kiểu ấy, không đi thì không thành cái con người làng được, mà không đi, lúc nhà mình có việc chả ai nó đến thì nhục! Lại thêm cái tiền nộp sản ruộng, 3 trăm nghìn đồng/ vụ; tiền làm đường liên thôn, tiền đóng góp cho bà con bão lũ, có khi là chục nghìn, có khi là hai ký lô thóc, liên tục.

Bà Liên gạt nước mắt: “Thằng con trai tôi, đi làm may điện ở trên huyện, làm cả ngày lẫn đêm, lương được 600 nghìn đồng/tháng. Tháng vừa rồi, hình như ông bán điện đòi tăng giá, bà con không đồng ý tăng, thế là ông ấy giận hờn tắt điện suốt (?), thế là con tôi đi làm may điện phải nghỉ làm liên tục. Làm ở tổ là quần áo trước khi xuất đi, việc của cháu nó suốt ngày ôm cái bàn là, mùa nóng thì người cứ tóp lại như… tóp mỡ. Thế mà, tháng vừa rồi nó đi làm có 6 buổi, được đúng 120 nghìn đồng, chả đủ tiền đóng góp cho con nó đi học mẫu giáo. Thế mà tôi cũng thấy nó ti toe dùng điện thoại di động, chả biết lấy tiền ở đâu. Chú thấy, cái nhà tre nứa của tôi đã sụp cả mái, không lấy đâu ra tiền sửa lại. Thôi thì, giột chỗ nào ta căng ni lông che chắn chỗ đó. Vừa rồi, xóm giềng mỗi người góp một cây tre, “dặm” lại cái nhà cũng đỡ hơn một tí”.

Bà Liên chia tay chúng tôi, bảo bán thóc xong, bà sẽ mua ít thịt mỡ, thịt véo về băm ra, ra vườn nhặt lá về dán chả xương xông lá lốt cho vợ chồng cái con nhà nó ăn một bữa, gọi là tanh tao mút mát một tí. Chứ lâu quá rồi, “tinh có ăn cơm với rau cỏ, muối mắm, cái thứ mắm bán ba nghìn đồng một lít ấy, nó là nước muối, đến mùi… mắm cũng chả có. “Hôm trước, bố cái bé này, nó đi làm về, không nuốt được cơm muối trắng, nó ngồi ngắc ngứ, thấy nó chạy ra đầu ngõ mua ba nghìn nem thính về ăn với cơm, tôi thương quá. Cái nem thính ấy, bọn bán nó thái từ cái tai lợn ra, bán ở góc làng toàn ruồi muỗi. Tôi không dám ăn, chả biết nó làm kiểu gì mà rẻ thế. Chắc gì đã phải làm bằng tai con lợn. Mà ti vi nó bảo đang lợn tai xanh hãi lắm mà!”.
(còn nữa)

Xin mời đọc tiếp bài 2 – bài cuối:
http://vietimes.com.vn/vn/print/nguoiquansat/4913/index.viet

About dodoanhoang

Journalist at Dan Viet newspaper
Bài này đã được đăng trong Uncategorized và được gắn thẻ . Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

1 Responses to Một bài tản mạn rất là tản mạn:

  1. dodoanhoang nói:

    cảm ơn vì đã có người có ý định cảm ơn tôi, một gã nhà báo vừa viết vừa lo sợ liệu những nỗ lực của mình sẽ đi về đâu…

Đã đóng bình luận.