Viết bằng ký ức!

Chuyên mục “Viết bằng ký ức”:
Chuyện phá rừng và đầu độc đồng loại của tôi…

Bài của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng

dien bien Binh yen IMG_2868

Giống như con tôi, đang ở cái tuổi nhầng nhầng 15, “người lớn vẫn chưa người lớn hẳn, trẻ con sắp hết trẻ con rồi”, tôi ở tuổi ngoại 40, so với người già thì còn trẻ chán, so với người đôi tám hai chục thì… y xì phóc một lão già. Cái tuổi vừa đủ bạc đầu, vừa đủ chín để buộc phải nhâm nhi ký ức. Ký ức như chiếc bình rượu trường sinh quý báu, muốn uống nhiều hơn Thái Thượng Lão Quân cũng chẳng cho. Ký ức như chiếc lọ lục bình đựng ám ảnh buồn, đôi lúc muốn đập vỡ nó mà không thể.

Chìm vào nỗi nhớ cố hương, nhớ tuổi thơ và khu vườn, căn nhà, không gian nguyên thủy của núi rừng Ba Trại, tôi vẫn thường bật khóc. Không một bức ảnh lưu lại. Nhớ cứ quay quắt và héo thắt ruột gan, nhất là khi bà đã chết, vườn nhà đã bán, đã bị “hạ giải” biến thành nương bãi của người đời. Tôi chợt thấy cái quý vô ngần của những bức tranh tả thực có từ cái thời nhân loại chưa sáng tạo ra nhiếp ảnh. Và tôi vẫn gạ gẫm đám họa sỹ bạn bè, mày vẽ cho tao cái không gian nhà tao trong cuốn “Búi Thông thơ dại” mà tao đã xuất bản mấy trăm trang kia được không? Hoa chè nhớ là phải nở thơm mát, trắng toát, hoa xoan rụng bốn bề quanh 6 sào vườn chè đã đốn bằng phẳng và lượn cong cong như sóng biển nhé. Hoa xoan rụng suốt cả tháng ròng, nó tím man mác, nó rơi lưa thưa đều đặn như chiếc đồng hồ cát, rơi đến mức tôi thơ thẩn suốt thơ ấu, cứ tưởng rằng phải rụng xuống rồi lại bay lên, bay lên cây rồi lại rụng xuống vườn chè thì đám cây xoan kia nó mới đủ hoa mà bay mơ màng suốt ngày dài đêm thâu như thế được chứ. Đôi lúc, hoa xoan đã nhòa vào mưa xuân, giọt mưa và giọt hoa xoan giống hệt nhau, cùng ngan ngát tím, cùng buông lơi ngược lên giời rồi lại xuôi xuống mặt vườn chè được đốn phẳng như sóng biển. Lớn chút nữa, tôi tin chắc rằng ông Nguyễn Bính đã viết về vườn chè với mưa xuân và hoa xoan ở vườn nhà tôi: “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy”.

Cái vườn chè mộng tưởng ấy, bà tôi đã hái suốt tuổi trẻ, cả tuổi trung niên và hái cho đến tuổi già rồi chết của bà. Bà nằm gục dưới luống chè, nơi mặt trời không chiếu xuống được. Đất lành lẽ, sạch sẽ, với rất nhiều lỗ giun quang. Cả đời bà là các chuyến vòng quanh khu vườn kéo dài từ bản người Dao sang bản Mường, hái xong góc người Dao thì góc người Mường nảy mầm xanh lá cũng vừa đủ độ “một tôm hai lá”. Vườn chè nhà tôi lượn sóng chung chiêng dưới chân núi Ba Vì khét lẹt khói đốt nương. Cái cỏ tranh khi bị đốt, mùi nó ngọt ngào thơm mát rất lạ. Bởi gốc cỏ tranh tươi vốn trắng nõn, đã thơm ngọt, đã ứa nước trong miệng lũ mục đồng, giờ lại được nướng chín như măng vầu. Góc sân giếng kia, chú Tiến “nhù” đã bơm thuốc trừ sâu bằng cái bình to tướng cõng trên lưng, chú bơm suốt tuổi thơ tôi. Thỉnh thoảng viên bi ve xanh như mắt mèo trong bình thuốc trừ sâu nó hỏng, chú lại cho tôi đem đi khoe lũ trẻ. Viên bi ấy là chúa tể trong đám bi đất nung xanh đỏ sặc sỡ mua ngoài chợ nghèo cấp xã, thời bao cấp. Chú Tiến đã chết gục vì cảm nắng, vì nhiễm độc thuốc trừ sâu suốt nhiều năm làm nghề phun thuốc thuê. Nào vô-va-tốc, nào đê-đê-tê, nào dạng bột dạng nước, dạng thối dạng giống như thơm thơm. Tôi thuộc các loại thuốc trừ sâu từ tấm bé, người quê tôi còn vấy thuốc vô va tốc lên tóc con trẻ để cho nó diệt chấy rận. Ngôi mộ chú Tiến được đóng khung hình vuông viền xung quanh với 4 khúc cây sặt nằm ngang.

Mãi sau này tôi mới biết, từ tấm bé, tôi đã góp phần cùng gia đình mình đầu độc đồng loại thông qua các vựa chè phun thuốc trừ sâu. Cứ hái một tôm hai lá, cứ sao đảo rồi “đánh mốc” cho lên hương, đem ra chợ bán. Một cân chè, bằng một yến gạo, sức đâu mà đợi mấy chục ngày sau mới hái cho “phai” bớt mùi thuốc trừ sâu. Bấy giờ chuyện ung thư và nỗi ám ảnh chén nước trà thành chén nước tẩm độc tố do hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật quá cao như bây giờ. Bà và mẹ tôi chẳng biết điều đó. Cứ phun, cứ hái, cứ bán quay cuồng trong nỗi đau đớn cơm bữa nào cũng độn sắn, độn khoai. Riêng món sắn, bà tôi làm được vài chục món, ăn cho nó quay vòng khỏi “trớ” lên tận cổ đàn cháu ngoại. Nào là rau sắn ngâm, nào là vỏ sắn phơi, nào là bột sắn rán, sắn nạo hấp cơm, sắn luộc chấm mật mía, sắn lưu niên để “vào gió” (để lên men), sắn nướng cả củ… Tôi bưng bát cơm với gộc sắn to như vốc tay với vài hạt cơm lăm dăm bám quanh mà khóc: “Sắn gì thì vẫn là sắn, bà ơi!”.

Hết nhuộm thuốc trừ sâu cho cả một vựa chè bằng thiếu hiểu biết và bằng sự đói khát sấp mặt kiếm miếng ăn, tuổi thơ tôi lại trực tiếp phá rừng rất ngộ nghĩnh. Người thiểu số đốt nương trên núi Ba Vì, đêm nào lửa cũng cháy như các mảng ruồi leo xanh lét. Gió hanh hao đẩy các tàn tro lập lòe như ma trơi về xóm Đô xóm Trám. Nhà hàng xóm mái tranh bốc cháy. Bà hãi hùng kêu ối làng nước ơi, rồi bà dấp nước đủ chăn, màn, chiếu, quần áo, bắc thang cho tôi leo lên, trải trên mái nhà để dập tắt các “đốm lửa ma trơi”. Sáng ra, tôi và em trai lại xách dao vào rừng đốn củi. Đốn trụi các cánh rừng, vượt qua rắn lục, ong bò vẽ, ong vang, ong muỗi, nước lũ kinh hoàng để mỗi ngày vác đủ hai bó củi về. Củi xếp thành “núi” sau nhà. Không điện, không ga, dầu thắp đắt đỏ, củi là vua, là chúa, là của hồi môn trong mỗi cuộc hợp hôn. Rồi rừng thông bị chết vài cây, người lớn mượn gió bẻ thông. Chúng tôi dùng sào chọc rụng các bộ áo giáp vỏ cây xuống. Vỏ thông rất trơn, thơm, dày, hàm lượng dầu nhựa lớn, nên đốt rất nỏ. Đốt tươi cũng cháy rần rật. Chỉ cần chặt ngang thân cây, dùng dao tách lớp vỏ khỏi thân cây thông còn tươi, dùng sào chọc ngược, cả núi vỏ ốp kín thân cây thông to một hai người ôm sẽ tụt xuống. Tụt như một người đang đứng mà đứt chun quần vậy. Trẻ con giết cây, người lớn đi chặt, cho trâu kéo về ngâm dưới ao cá chờ ngày… xẻ gỗ. Ám ảnh tuổi thơ tôi là sự truy đuổi của cán bộ lâm trường (kiểm lâm). Họ lười lắm, cứ đi theo vết khúc gỗ bị kéo thành gờ rãnh trên đường đất của đồi Lốc, đồi Mán mà… tìm về nhà người dùng trâu kéo gỗ. Có khi họ “theo dấu vết tội phạm” ra đến tận cái ao bà tôi thuê chú Tập cụt ngâm gỗ thông. Lại thông qua chú Hồng có chút rượu gà đút lót kiểm lâm. Thế rồi gỗ ấy đem cả về Sơn Tây, quê nội tôi để làm cửa chính, cửa sổ, làm cả cột kèo ngôi nhà thương mến. Suốt vài năm sau, mỗi lúc trời nắng, căn nhà lại thơm nồng mùi gỗ thông. Các u mấu có nhiều dầu, nhựa của phiến gỗ thông, mỗi lúc nóng quá, lại nhểu ra ít nhựa trong vắt, tròn như một bầu vú. Nhựa cô đọng lại. Từ trong nhà nhìn ra nắng, đôi lúc thấy rõ nắng hay mưa, bởi cánh cửa gỗ thông nhiều nhựa nó rất trong. Có khúc gỗ, bố tôi chẻ ra làm đóm nhóm bếp dần. Châm lửa là cháy, cháy là thơm. Sau này học “Rừng xà nu” của Nguyên Ngọc trong sách giáo khoa, với hình ảnh Tnú bị giặc tẩm nhựa xà nu đốt 10 đầu ngón tay, tôi rất dễ để hình dung, trong khi đám bạn phố thị cứ ngơ ngác.

Tôi đã phá rừng và đầu độc đồng loại suốt cả tuổi thơ theo đúng nghĩa đen (đau đớn thay: nước ta bây giờ vẫn đang tồn tại bao nhiêu tuổi thơ vô tội mà đáng trách như tôi hồi đó?), chú Tiến nằm gục chết khi đang bơm bình thuốc trừ sâu cuối cùng của đời mình cho vườn chè của bà ngoại tôi. Đến bây giờ, gỗ thông tôi chặt, tôi theo trâu kéo về vẫn ngự trong căn nhà tôi, lúc nắng nỏ, nhựa thông vẫn còn thoang thoảng. Tôi từng ứa khóc trước tuổi thơ lam lũ, nhưng tôi cũng tự hào vì nó. Núi rừng, sự lấm láp và khổ cực ấu thơ kia, nó như một ưu vật mà tạo hóa đã tặng cho kiếp người của tôi. Ký ức như chiếc bình rượu quý, cũng như chiếc bình rượu buồn thảm và đầy tiếc nuối, dù yêu, dù ghét nó, ta cũng không đi ra ngoài nó được. Nó trở về lúc nào cũng không hỏi ý kiến, không báo trước cho ta biết. Chiếc bình không thể xin thêm, cũng không thể đập vỡ ấy, nó là báu vật trong mỗi kiếp nhân gian.

PS: Nếu được khoe một câu thôi, thì tôi sẽ nói: sau này tôi trở thành “đại sứ” bảo vệ rừng, hoang thú, môi trường, được mời đi khắp nhiều quốc gia; sau này tôi được mời diễn thuyết rồi mở những chuyên mục lớn trên truyền thông nước nhà về bảo vệ người tiêu dùng trước thảm họa mất an toàn thực phẩm, – thành công nho nhỏ ấy có được cũng là vì những điều ám ảnh nhất, kiểu như những gì mà tôi đã “mở kho ký ức” trong bài viết này. Tôi đã từng đầu độc đồng bào mình bằng thuốc trừ sâu, từng thảm sát rừng ở chính quê hương mình.

Hà Nội, 7/10/2015
Đ.D.H

About dodoanhoang

Journalist at Dan Viet newspaper
Bài này đã được đăng trong Uncategorized. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

1 Responses to Viết bằng ký ức!

  1. Giang Hạ nói:

    Xúc động quá! Rớt nước mắt vì những kí ức của anh

Bình luận về bài viết này