Trở lại nhà giam.

Vài mẩu chuyện ấm lòng ở trại giam xứ Thanh

Ghi chép của Lãng Quân

Người ta bảo, “nhất nhật tại tù”, bằng cả nghìn thu ở ngoài, vậy không lẽ trót lỡ phải đi ở tù – có khi là án chung thân – rồi thì cứ sầu thảm rên rẩm mãi ư? Tất nhiên cũng chả thể vui vẻ hài lòng gì được cả, nhưng…. Tháng 10/2014, tôi trở lại các Trại giam Thanh Cẩm, Trại giam số 5 (của Bộ Công an, đóng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa). Cảnh cũ, người xưa, cũng thấy nhiều cảm xúc đan xen khó tả. Trại Thanh Cẩm vừa được tái lập cách đây vài tháng, cả Đại tá, Giám thị Nguyễn Đình Giang cũng mới được điều từ ngoài Hà Nội vào chưa đầy trăm ngày, vậy mà, với tôi, nhìn chỗ nào, đi góc nào cũng thấy quen quen, cả phạm nhân và cán bộ khối người cũng biết rồi cả. Thế rồi len lén thấy đâu đó những câu chuyện ấm lòng đến khó tin.

Bữa cơm của trại ngon hơn ở nhà

Cái quen đầu tiên là gặp lại, Đại tá Nguyễn Đình Giang, người đã nhiều năm làm bên cán bộ Đoàn, rồi bên Thanh tra của Tổng Cục 8. Quen thứ hai, anh Giang là con rể Đại tá Nguyễn Duy Vực, Nguyên giám thị Trại giam Phú Sơn 4 (Bộ Công an), một nơi được xem như “thủ đô” của trại giam cả nước. Ông Vực là người nho nhã, như một trong những “cánh chim đầu đàn” đầy tâm huyết của ngành trại giam nước nhà. Tôi đã nhiều lần gặp ông, đã viết về ông sau những đêm cùng ông đi dạo trong khuôn viên như “tam cung lục viện” của trại Phú Sơn 4, trong tiếng cá chép vật đẻ ầm ĩ ngoài hồ bán nguyệt. Ông Vực bảo, đừng nghĩ tôi mê tín nhé, nhưng tôi đối xử với phạm nhân như đối xử với những bà con kém may mắn của mình vậy; năm ngón tay có ngón dài ngón ngắn, nhà có người sướng người khổ, xã hội có người phải đi ở tù. Các cụ bảo, cái người khổ trong nhà, họ gánh tội cho người sung sướng, cái người ở tù họ gánh vài điều hẩm hiu của số phận kia cho những người may mắn hơn như chúng ta. Xin hãy thương lấy họ. Chỉ có tình thương mới giúp họ ra khỏi con đường lầm lạc tăm tối kia. Ông Vực cũng vừa vào trại Thanh Cẩm tư vấn cho con rể và cán bộ chiến sỹ vài điều tâm huyết, để làm sao “cánh chim non trẻ” này sớm bay cao hơn nữa.

Cái quen nữa là trại giam Thanh Cẩm vốn là trại giam loại 1 (trước đây chúng ta phân chia như vậy để nói rằng phạm nhân ở đây hầu hết án rất nặng) độc lập; cách đây khoảng 13 năm, nó được sáp nhập vào thành một nhóm phân trại của Trại giam số 5. Tôi từng được Bộ Công an, rồi Hội Nhà văn mời vào dự trại sáng tác tại các trại Thanh Lâm, Trại 5, ở góc trời xứ Thanh ấy ngót tháng ròng, gặp không biết bao nhiêu cán bộ và phạm nhân. Có ngày các nhà văn lão thành như Chu Lai, Võ Bá Cường, Dương Duy Ngữ… cùng 3 ông tướng ngành công an xuống hiện trường lao động sản xuất của phạm nhân. Đó là ông Tướng nhà văn Hữu Ước, ông Tướng Đồng Đại Lộc – bấy giờ là Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa; và vị tướng nữa là đồng chí Phạm Đức Chấn, bấy giờ là Cục trưởng Cục V26 (theo như tên gọi cũ). Vì thế, anh chị em cán bộ đều nhớ chúng tôi cả.

Thế rồi, vừa rồi, tháng 7/2014, Trại giam Thanh Cẩm được tái lập. Hiện nay, có 1.204 phạm nhân đang thụ án. Cơ sở vật chất còn hết sức nghèo nàn, lại ở giữa rừng núi xa xôi. Khi chúng tôi đến, Đại tá Giang đang cùng cán bộ đi khảo sát xây dựng lại vài khu phòng ốc và khu sản xuất. Nước ăn của cán bộ còn dung “ké” nước sạch của hơn nghìn phạm nhân. Phòng khách không có. Cán bộ đi ở tạm ở nhờ. Phòng sản xuất của phạm nhân còn buộc chằng bằng gỗ lạt, vách mái tạm bợ. Tuy nhiên, điều kiện ăn ở, cải tạo, khám chữa bệnh, lao động sản xuất của phạm nhân vẫn được ưu tiên đặc biệt, với không ít câu chuyện cảm động. Một Đại tá hơn 30 năm gắn bó với việc quản lý phạm nhân trên địa bàn xứ Thanh, nói giản dị: “Bữa cơm của phạm nhân ở đây, ngon hơn bữa cơm của nhiều bà con trong khu vực. Tôi nói vậy có thể các vị không tin ngay đâu. Thử tìm hiểu mà xem”. Phạm nhân tự trồng rau, nuôi lợn để tăng thêm khẩu phần ăn cho mình, bên cạnh chế độ khá chu toàn của nhà nước. Hàng ngày họ chỉ lao động vài tiếng, 80% phạm nhân làm những việc cơ bản là ở… trong nhà. Không bị cùm kẹp gì. Họ làm hàng mã, chỉ dán dán, xếp xếp; họ gia công vài món hàng thủ công khác, ở trại 5, phạm nhân nữ thì ngồi máy may, ngồi thêu trong những căn phòng sáng sủa, quạt điện mát rượi. Người lao động ngoài trời, ngoài ba chục người đóng gạch tuy-nen, thì hầu hết chỉ kéo xe bò, trồng rau, trồng lúa, nuôi lợn, tưới cây. Nếu không trực tiếp phỏng vấn các phạm nhân như chúng tôi, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ là ai đó đang cố tình “tô hồng” các câu chuyện ấm lòng trong trại giam. Ngoài vài “cục” hàng mã phải làm vài tiếng một ngày, thì ai làm nhiều hơn định mức, họ có thêm thu nhập bằng cách chuyển kinh phí ấy thành tiền lưu ký (kiểu phiếu mua hàng, vì theo nguyên tắc họ không được phép sử dụng tiền trong thời gian thụ án). Đại tá Nguyễn Văn Vân, Phó Giám thị Trạii 5 còn quả quyết: phạm nhân có một “tài sản” trích từ thành quả lao động của họ ra, hàng tháng họ được nhận giống như “lương” vậy. Anh em cho biết, có người ở đội đóng gạch, mỗi tháng “dư” ra đến 500-600 nghìn tiền lưu ký.

Hàng năm, đều đặn có cả đội bác sỹ chuyên nghiệp được thuê đến khám bệnh cho từng phạm nhân. Thậm chí, anh chàng Lê Đăng Chất (SN 1983), nhà ở Triệu Sơn, Thanh Hóa, phạm tội trộm cắp tài sản còn hí hửng khoe hàm răng hổng: em được khám răng, họ chữa bệnh rồi nhổ cho em chiếc răng hỏng mà bấy lâu nay ở ngoài xã hội em chưa có tiền và thời gian đi chữa trị. Vợ em tàn tật, con gái em ốm đau, em làm nghề sửa xe máy, làm ngày làm đêm mà vẫn đói rạc. “Vào đây được học đầu vào, học trong quá trình cải tạo, trước lúc ra trại ai cũng được học một khóa nữa. Ai mù chữ được học và cấp chứng chỉ xóa mù. Với sức em, thì lao động làm một cục hàng mã, ít mây tre đan, may vài cái túi vải bạt mỗi ngày là quá nhàn. Em làm một tiếng là xong. Thời gian còn lại em làm thêm để lấy tiền… ăn sáng thêm. Em cải tiến cách làm việc giúp cả phân trại tăng năng suất. Em được cán bộ khen. Năm vừa rồi em được xét giảm án 11 tháng. Cơm thì ăn thoải mái, sức em ăn no căng thì thôi, mỗi tuần có 3 bữa cải thiện đặc biệt: 2 bữa thịt, một bữa cá!”. Đại tá Lê Duy Sáu ngồi cạnh bổ sung: “Tính chi li ra: mỗi tháng, ít nhất một phạm nhân được nhà nước cấp không 17kg gạo, 8 lạng cá, 7 lạng thịt, nước mắm, đường, mỳ chính…, tất cả được tính bằng cân bằng lạng cụ thể. Ngày lễ tết, khẩu phần của phạm nhân tăng gấp 5 lần, đặc biệt dịp 2/9 chẳng hạn. Mỗi người một đùi gà và 2 lạng giò, nên có người bảo đứng về bữa ăn, có khi họ còn sướng hơn khối người dân… gần khu vực này”.

Với tôi, cải tạo là con đường ngắn nhất để “trở về”

Chúng tôi đến thăm lớp học đầu vào, lớp học xóa mù cho phạm nhân. Lúc ấy cô giáo – thiếu úy Trần Thị Thương (đã tốt nghiệp Đại học ngành sư phạm) đang say sưa dạy học. Cán bộ quản giáo cũng dự và trò chuyện, dạy chữ, tuyên truyền chủ trương và luật pháp cho phạm nhân. Tất cả lớp trang trọng đứng lên chào khách, chưa kịp ngồi xuống thì một phạm nhân áo xọc đã nhân thể lúc đang đứng bèn hăng hái giơ tay để cô Thương gọi “phát biểu xây dựng bài”. Đại úy Nguyễn Bá Giang, Đội trưởng Đội Trinh sát đưa tôi đến gặp hai phạm nhân hoàn toàn mù chữ đang lơ ngơ ở cuối lớp học. Phạm nhân Nguyễn Bá Khường, SN 1962, xã Thụy Việt (Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) đã đi trại lần thứ 2, vẫn tội trộm cắp tài sản. Sống một mình ở quê, cơm đường cháo chợ, bữa đói bữa no. Ông Khường bảo, riêng về ăn uống thì sống trong trại ổn hơn ở ngoài. Về học, cả đời ông chưa biết một chữ nào cả. Vào trại mới được học, ông ước ao giá mà ông biết viết để có thể “biên” thư về cho bạn bè và người thân. Ngồi bên là Bùi Văn Hường, SN 1989, trông rất trai lơ hiện đại, nhà lại ở ngay Lạc Sơn, Hòa Bình; nhưng trước khi vào trại, Hường chưa bao giờ biết chữ – dù cu cậu vẫn điện thoại di động nhoay nhoáy, lái xe máy vèo vèo cùng chúng bạn lúc ở ngoài đời. Hường bảo, em quyết tâm học và cải tạo, để có một cái nghề, để biết đọc biết viết tìm một vị trí công việc nào đó khi ra tù. Mẹ chết sớm, bố và dì ghẻ bỏ bê. Trong cái rủi đánh nhau phải vào trại giam của em, Hường bảo, đôi lúc em cũng ngẫm và thấy nó cũng là cơ hội không tồi để đời mình đi theo một hướng sáng sủa hơn. “Vào đây, tối ngủ có màn, có tivi để xem, đúng là nhiều thứ còn đầy đủ hơn ở nhà em thật đấy”, Hường nói.

Trước khi chúng tôi rời trại Thanh Cẩm, trong chiều chạng vạng đồng rừng xa lắc, Đại tá Giang tiễn khách bằng một câu như là triết lý: “Ở đây quá nhiều phạm nhân thụ án nặng, có người bảy tám tiền án tiền sự, ở trại giam nhiều hơn ở nhà. Nhưng vấn đề là mình phải đối xử theo kiểu không coi họ là phạm nhân nữa. Tình cảm giữa người với người, đôi khi phải dạy họ từ nếp ăn ở, đi lại, đối nhân xử thế, mình phải xứng đáng là người thầy của họ thì mới được”. Rồi anh trân trọng đưa cho tôi lá thư: “Tôi vừa lấy từ hòm thư góp ý đấy”. Thư của phạm nhân Vũ Quốc Hội, sinh năm 1975, quê ở Quỳnh Phụ, Thái Bình đang thụ án phạt 26 năm. Anh Hội viết chữ rất nắn nót: “… có một điều vô cùng ý nghĩa đối với tôi và hàng trăm phạm nhân khác trong phân trại là được nghe bức thư động viên và răn dạy của BGT (Ban Giám thị) trong ngày 2/9 vừa qua. Thưa BGT. Khi bức thư của BGT được phát ra từ loa truyền thanh trong phân trại với những lời động viên ân cần sâu sắc và những lời nhắc nhở thấm thía đầy ý nghĩa. Điều đó đã làm thức tỉnh hàng trăm rồi cả nghìn con tim lầm lỡ. Riêng bản thân tôi thì vô cùng xúc động và không thể ngăn nổi dòng nước mắt khi nghe từng lời nói đầy nhân văn ấy. Tôi đang ân hận và nuối tiếc với những việc làm dại dột của mình để rồi giờ đây mình phải trả giá. Chính bức thư đó đã làm thức tỉnh tôi và tiếp sức giúp tôi tiếp tục đi tiếp con đường rất dài còn lại. Giờ đây tôi đã giác ngộ ra một điều rằng (…) con đường trở về xã hội ngắn nhất đối với chúng tôi là con đường cải tạo”.

(còn nữa)
Kèm chùm 14 ảnh đã gửi và đã chú thích.

About dodoanhoang

Journalist at Dan Viet newspaper
Bài này đã được đăng trong Uncategorized. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Bình luận về bài viết này